Hình thức pháp điển Pháp_điển

Do hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia là khác nhau nên pháp điển trong hệ thống pháp luật và các hình thức tiến hành pháp điển ở các quốc gia là khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản có hai hình thức pháp điển chính như sau: 

  • Pháp điển về mặt nội dung (Pháp điển lập pháp, pháp điển truyền thống, pháp điển có tạo ra quy phạm mới….) là việc xây dựng một văn bản pháp luật mới trên cơ sở rà soát, hệ thống hoá, tập hợp các quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vào văn bản đó với sự sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. 
  • Pháp điển hình thức (pháp điển không làm thay đổi nội dung văn bản) là phương thức tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại nhiều văn bản khác nhau thành các bộ luật theo từng chủ đề, bố cục logic và phù hợp, có thể kèm theo những sửa đổi, điều chỉnh cần thiết nhằm làm cho các quy định này phù hợp với nhau nhưng không làm thay đổi nội dung.

Căn cứ vào Điều 2 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, pháp điển ở Việt Nam là pháp điển về hình thức. Cơ quan có thẩm quyền tập hợp, sắp xếp đầy đủ các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực vào Bộ pháp điển theo trật tự hợp lý và thường xuyên, kịp thời cập nhật quy phạm pháp luật mới hoặc loại bỏ quy phạm pháp luật hết hiệu lực mà không sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật thay thế hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.